Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cô Bùi Thị Thanh Châu, tổ phó tổ ngoại ngữ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, chia sẻ đối với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thì việc triển khai chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường có nhiều thuận lợi vì ban lãnh đạo nhà trường đón nhận chủ trương này trên một tinh thần tích cực.
Cô Châu nói: "Chủ trương này cũng khá phù hợp với định hướng của nhà trường. Trường Trần Đại Nghĩa đang xây dựng mô hình trường quốc tế trên nền tảng trường công lập và xây dựng cho học sinh được 6 giá trị sau khi các em tốt nghiệp, trong đó đẩy mạnh được 2 giá trị. Đó là kỹ năng mở rộng được quan hệ quốc tế cho các em và nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Thuận lợi của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là may mắn đầu vào trình độ tiếng Anh của học sinh cao. Trình độ tiếng Anh cao đáp ứng được nhiều chương trình: Chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp. Riêng đối với chương trình tiếng Anh tăng cường, nhà trường còn đẩy mạnh về theo hướng luyện chứng chỉ IELTS, các học sinh lớp 8 trở lên đã đi theo con đường này rồi.
Trường cũng thực hiện mời các giảng viên các trường đại học về dạy bằng tiếng Anh các môn học cho học sinh. Ngoài ra, các tổ bộ môn thực hiện liên môn khoa học với tiếng Anh. Gần đây, học sinh của trường còn kể chuyện về Bác Hồ bằng tiếng Anh. Môi trường thực tế như giao lưu với nước ngoài, quay clip bằng tiếng Anh…
Tuy nhiên cũng có những cái khó vì thế mạnh tiếng Anh rơi vào học sinh, còn đội ngũ giáo viên dạy các môn học bằng tiếng Anh là một thách thức lớn".
Cô Bùi Thanh Châu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đồng tình với cô Châu, cô Phạm Thị Thanh Bình - phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM - cho hay chủ trương này cũng phù hợp với thực tiễn dạy và học ở trường mình.
"Trường THCS Nguyễn Văn Tố có đầu vào học sinh thuận lợi trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, chúng tôi đang thực hiện mô hình "trường tiên tiến hội nhập quốc tế". Chủ trương này sẽ giúp học sinh có môi trường vận dụng và phát triển khả năng tiếng Anh.
Tại trường, chúng tôi có nhiều mô hình hay để phát triển vốn tiếng Anh cho giáo viên. Chẳng hạn như có thể dạy tiếng Anh bằng các tiết giáo dục địa phương, tập hợp giáo viên dạy các chuyên đề bằng tiếng Anh. Những tiết chuyên đề này được thực hiện có chủ đích để giáo viên sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy" - cô Bình chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thanh Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ở góc độ một phụ huynh có con đang học phổ thông, bà Hàng Kim Ty Luân (TP.HCM) cho rằng chủ trương này là cần thiết. Bà Luân mong việc thực hiện chương trình sẽ giúp nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.
"Hiện nay, con em chúng ta học 12 năm tiếng Anh nhưng việc giao tiếp được bằng tiếng Anh rất ít học sinh thực hiện được. Tôi kỳ vọng đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất khi thực hiện chương trình" - bà Luân gửi gắm hy vọng.
Bà Hàng Kim Ty Luân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, việc triển khai chủ trương này không nóng vội, không đại trà, mà sẽ tiến hành thí điểm từng bước, từng khu vực, từng trường và có lộ trình.
"Có thể TP.HCM sẽ triển khai trước ở các trường đang thực hiện chương trình tích hợp, chương trình tiếng Anh tăng cường, trường tiên tiến hội nhập, các đơn vị tư thục… Sau đó sẽ mở rộng ra. Hiện nay, lực lượng giáo viên thực hiện thí điểm TP.HCM đáp ứng được, nhưng để phát triển hơn nữa thì cần có biện pháp dài hơi như đặt hàng các trường sư phạm đào tạo mới và đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên...
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, TP.HCM sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là trường đưa ngôn ngữ tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Điều này hết sức quan trọng, là kim chỉ nam để các trường triển khai thực hiện thí điểm" - ông Quốc nói.
TS Đàm Quang Minh cũng đồng tình với việc từng bước xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
"Chúng ta từng thành công trong xây dựng mô hình trường chuẩn quốc gia, tôi đề xuất TP.HCM mạnh dạn thí điểm xây dựng một vài trường chuẩn trong việc có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Trường học có ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh cũng nên theo lộ trình, được chia theo bậc: bậc 1, bậc 2, bậc 3" - ông Minh đề xuất.
Nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa phải) - tặng hoa cho các đại biểu - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Lê Xuân Quỳnh, chủ nhiệm chương trình cử nhân ngôn ngữ, Trường đại học RMIT Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí. Ông Quỳnh cũng bày tỏ sự lo ngại về chương trình học, đầu ra của học sinh khi học các trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và đặc biệt là "số phận" của tiếng Việt trong những trường này.
"Đây là câu chuyện gắn chặt với chính sách ngôn ngữ quốc gia. Chúng ta phải tính đến đầu ra cho học sinh khi thực hiện tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, đồng thời cũng phải giải bài toán về chương trình dạy học cho học sinh, không thể bắt học sinh học đồng thời hai chương trình (tiếng Việt và tiếng Anh) cùng một lúc như hệ song ngữ ở các trường quốc tế" - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Tại lễ tổng kết năm học 2023-2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã chỉ đạo TP.HCM thực hiện thí điểm "Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường", tại sao lại là TP.HCM?
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trả lời câu hỏi này của người điều phối tọa đàm, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết trong lễ tổng kết năm học vừa qua và triển khai nhiệm vụ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tin tưởng và giao nhiệm vụ TP.HCM thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Đây vừa là trọng trách, là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự để TP.HCM tiếp tục thực hiện, triển khai các chương trình tiếng Anh cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển chung của đất nước.
Ông Quốc phân tích: "Tại sao lại lựa chọn TP.HCM là đơn vị thí điểm? Bộ cũng xem xét trên một số vấn đề.
Thứ nhất trên sự phát triển kinh tế xã hội, TP.HCM đã chủ động triển khai các đề án tiếng Anh từ sớm, từ năm 1998.
Từ năm 2000, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã được xây dựng là trường trọng điểm triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường.
Song song đó là triển khai các chương trình tiếng Anh, đó ở các bậc học từ nhỏ đến lớn.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí trường học có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và từng bước thực hiện thí điểm, có lộ trình. Chúng ta sẽ tiếp tục bàn thêm để đưa ra tiêu chí, mức độ tỉ lệ ngôn ngữ thứ hai trong trường học, làm sao để phụ huynh yên tâm và đồng hành với ngành giáo dục.
Ngoài ra, TP.HCM chủ động xây dựng và triển khai 2 đề án về dạy tăng cường khả năng ngoại ngữ ở khối giáo dục phổ thông cũng như giáo dục chuyên nghiệp.
Hai đề án này cùng với một số chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, từ năm 2006 đến nay, TP.HCM duy trì việc thực hiện nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh.
Ví dụ, chương trình phổ thông 2006 chưa đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc tiểu học nhưng TP.HCM cũng chủ động triển khai thực hiện từ tiểu học.
Đến chương trình 2018 hiện hành, tiếng Anh được dạy học từ lớp 3 thì TP.HCM chủ động triển khai từ lớp 1 với tự chọn cho học sinh. Ngoài ra, TP.HCM cũng thí điểm làm quen tiếng Anh cho học sinh mầm non.
Đến nay TP.HCM có nhiều mô hình, hình thức triển khai giảng dạy tiếng Anh, từ khối mầm non, TH, THCS, THPT. Điển hình là chương trình tích hợp mà TP.HCM chuẩn bị tổng kết 10 năm. Chương trình Tăng cường tiếng Anh được triển khai từ năm 1998 đến nay.
Thứ ba, chương trình toán, khoa học bằng tiếng Anh ban đầu cũng đã được triển khai từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Gia Định... đến nay mở rộng đến các học sinh ở bậc tiểu học với nhiều cách làm hay, vừa có giáo viên giảng dạy người Việt Nam, vừa có tài liệu, phần mềm giảng dạy, vừa có giáo viên nước ngoài hỗ trợ giảng dạy.
Nhìn mặt tổng thể, tiếng Anh đã được TP.HCM chủ động triển khai từ rất sớm. Đến nay, có kết quả rất tốt từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực từ giáo viên về cơ bản đáp ứng được việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.
Ngoài nhà trường, TP.HCM có hệ thống giáo dục tiếng Anh thường xuyên hỗ trợ học tiếng Anh rất tốt. Sự phối hợp giữa các đơn vị này với giáo dục tiếng Anh trong nhà trường là rất tốt. Nguồn nhân lực giáo viên tại trường cũng từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài ngân sách nhà nước chăm lo thì TP.HCM cũng thực hiện xã hội hóa trong dạy tiếng Anh. TP.HCM trong 15 năm qua đã chủ động lựa chọn bộ môn tiếng Anh là bộ môn thứ 3 để tuyển sinh lớp 10.
Kết quả tốt nghiệp tiếng Anh THPT 8 năm qua của học sinh TP và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh của học sinh. Trên cơ sở đánh giá và thực tế triển khai, bộ đã tin tưởng trao TP.HCM trách nhiệm này.
Bước đường sắp tới, TP.HCM còn nhiều thách thức. Trong năm học này, TP.HCM tiếp tục duy trì những nội dung mà TP đã triển khai liên quan tiếng Anh trong nhà trường và cũng sẽ có những bước cụ thể để thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ 2 trong nhà trường trong năm học tới".
TS Nguyễn Thanh Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tương tự, TS Nguyễn Thanh Bình, chủ nhiệm khoa tiếng Anh Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đánh giá chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một chủ trương lớn, táo bạo và có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và đặc biệt phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Khi kinh tế xã hội phát triển, nhiều địa phương bắt đầu nổi trội hơn trong phát triển, đặc biệt trong đầu tư cho phát triển giáo dục địa phương. Những điều đó mang tới nhiều điểm thuận lợi, phù hợp để đặt vấn đề chuyển từ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ sang dạy tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
"Tôi cho rằng ngoài TP.HCM thì các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển như Hà Nội hoặc có những địa phương có những chuyển biến rất nổi bật trong việc học tiếng Anh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... có nhiều tiềm năng có thể thí điểm triển khai chủ trương này trong nhà trường" - ông Bình nhận định.
TS Đàm Quang Minh, phó tổng giám đốc Tập đoàn EQuest, tham gia tọa đàm với góc nhìn từ một hệ thống giáo dục tư thục đang tham gia giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường phổ thông. Theo ông Minh, việc TP.HCM tiên phong thí điểm chủ trương này có những thuận lợi nhất định.
"Chúng ta thấy rằng sự ủng hộ của phụ huynh là rõ ràng. Khối các trường tư thục chúng tôi khi triển khai thì bao giờ cũng có điểm mạnh lớn nhất là tiếng Anh. Phụ huynh sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu trường học được đầu tư tiếng Anh vì phụ huynh biết rằng lợi ích dài hạn về sau của học sinh sẽ tốt hơn nhiều. Nên sự ủng hộ của phụ huynh cho việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai rất lớn.
Đóng góp của hệ thống tư thục cho dạy học tiếng Anh là rất lớn. Tại tập đoàn chúng tôi, điều đó thể hiện ở kết quả học tập của học sinh ở 18 trường tư thục của tập đoàn trong kết quả thi THPT. Điểm trung bình tiếng Anh học sinh của chúng tôi từ 9,6 đến 9,8 trở lên.
EQuest chủ động đóng góp những giá trị trong giáo dục, bao gồm giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục thường xuyên. Và chúng tôi cũng may mắn được phụ huynh rất ủng hộ nên số lượng trường, số lượng học sinh theo học các trường trong hệ thống cũng như chương trình tiếng Anh đang tăng lên.
Cộng với chính sách xã hội hóa có sự cởi mở nhất định nên chúng tôi cũng triển khai tốt chương trình công nghệ giáo dục, trên toàn quốc có khoảng 146.000 học sinh đang học chương trình toán, khoa học bằng tiếng Anh. Chúng tôi đang được thực hiện sử dụng tiếng Anh như một công cụ để học các môn học, để học sinh có thêm các kỹ năng mới.
TS Đàm Quang Minh - Ảnh: DUYÊN PHAN